Nhà sáng chế tuổi 67


Nhà sáng chế tuổi 67

(Cadn.com.vn) - Ở tuổi gần 70, với nhiều người, đây là lúc để nghỉ ngơi an nhàn, song  ông Đỗ Đức Quang (quê Điện Bàn, Quảng Nam), trú nhà số 216, đường Trường Chinh, P. Trà Bá, TP Pleiku (Gia Lai) vẫn mày mò chế tạo máy hái, đào bồn ép, bón phân cho cây cà- phê giúp nông dân giải phóng sức người.

Thợ "chân đất" sáng chế máy hái, máy xới đào bồn cà- phê

     Ở Pleiku, không khó để chúng tôi lần tìm về xưởng cơ khí của ông Quang, vốn nằm trên tuyến đường Trường Chinh sầm uất. Bên trong xưởng cơ khí, giữa những tiếng ồn ào của máy móc, ông Quang cùng những người thợ đang mày mò chế tạo để hoàn thiện những thiết bị máy móc cho khách hàng.

     Khi biết chúng tôi đến để tìm hiểu những sáng chế mà mình đã thực hiện trong thời gian qua, ông cười xòa đôn hậu, kể: "Sở dĩ, tôi có ý tưởng để chế những chiếc máy trên chính là do xuất phát từ cái tâm 40 năm nghề của mình. Khi chứng kiến bà con nông dân ở Gia Lai cứ đến mùa trồng cà- phê là phải chạy đôn chạy đáo tìm kiếm lao động hái, đào bồn ép xanh, bón phân cho cây cà-phê để kịp mùa vụ, vừa tốn kém tiền của nhưng lại khan hiếm lao động... tôi quyết tâm phải tìm ra cách giải quyết bài toán trên".

 Máy hái cà-phê được ông Quang thử nghiệm tại vườn cà-phê.

     Sau nhiều tháng thai nghén ý tưởng, năm 2008, ông bắt đầu mày mò chế tạo ra dòng máy hái cà- phê với năng suất làm việc đã được thực tiễn chứng minh có thể thay thế từ 6-7 lao động, mức tiêu thụ năng lượng ít, có thể hoạt động liên tục, trong khi giá thành để bán một máy ra thị trường chỉ 5 triệu đồng. Sản phẩm làm ra không đủ để cung cấp cho bà con.

     Không dừng lại ở đó, một năm sau (2009), khi thấy nông dân phải tự tay xới, đào bồn để bón phân cho cây cà- phê mất khá nhiều thời gian, ông lao vào nghiên cứu và bắt đầu sáng chế ra loại máy xới đào bồn cà- phê giúp nông dân chủ động về lao động. Ban đầu, ông mua động cơ loại máy VYKYNO loại 4 thì, xy lanh có công suất 5,5 mã lực (3.600 vòng/phút); dung tích thùng nhiên liệu 5 lít, nhớt 0,5 lít rồi bắt đầu tự thiết kế dàn xới có  4 lưỡi x 4 cánh/lưỡi, tổng cộng có 16 cánh; bề rộng dãy xới lớn nhất 30 m, độ sâu lớn nhất 20 cm; máy được thiết kế theo kiểu truyền động, côn ly hợp tự động, có kích thước dài 1,4 m, rộng 0,4 m, cao 0,5 m, trọng lượng chỉ 39kg, gọn nhẹ nên chỉ cần 1 người điều khiển.

     Quá trình thực nghiệm cho thấy máy đạt hiệu quả cao, có thể thay thế cho 10 lao động, tương đương với 300 gốc cà-phê/1 ngày với mức tiêu hao nhiên liệu chỉ khoảng 5-6 lít xăng. Tính ra, 1 ngày dùng máy để đào 300 gốc cà-phê chỉ mất khoảng 300 ngàn đồng  (xăng khoảng 130 ngàn+ 170 tiền công/1 người), trong khi nếu sử dụng 10 người để đào 300 gốc cà- phê thì riêng tiền công đã ngốn hết 1,7 triệu đồng. Trong khi giá thành bán 1 máy ra thị trường chỉ 9 triệu đồng. Đó còn chưa kể máy có tính cơ động cao, thao tác dễ dàng, thích hợp với các địa hình vườn cà-phê. Trong quá trình sử dụng nếu có hỏng hóc bộ phận nào cũng dễ thay thế. Bên cạnh đó, máy còn được sử dụng để đào xới đất khi trồng rau, trồng ngô, đậu đỗ các loại và còn đào rãnh bón phân cho cây cao su...

     Chính sự hữu ích của 2 dòng máy trên nên sản phẩm luôn được bà con chấp nhận, hàng làm ra không đủ bán (trung bình xưởng của ông 1 tuần chế được 5 máy), đến nay, ông đã bán ra thị trường hơn 1.500 chiếc.

 Ông Quang đang hướng dẫn để thợ chế tạo hoàn thiện máy đào xới cà-phê tại xưởng.

Tuổi thơ gian khó...

     Điều làm chúng tôi bất ngờ là, vì điều kiện khó khăn của gia đình nên ông Quang chỉ mới học đến lớp 3 rồi bỏ dở và bắt đầu kinh qua nhiều nghề đủ khắp các tỉnh thành từ khi còn nhỏ tuổi.

     Ông cho hay, những người thân trong gia đình kể lại, năm ông 3 tuổi đã phải mồ côi mẹ, một vài năm sau, bố cũng đi tập kết ra Bắc. Lúc này, ông lớn lên trong tình thương của những người họ hàng. Năm 1963, thời gian này, Điện Bàn quê ông là cái nôi của cách mạng, ông cũng tham gia hàng ngũ những người cách mạng, làm "biệt động thành", và chỉ một năm sau thì bị lộ nên phải trốn vào Sài Gòn, làm công nhân kéo đường dây điện cho Sở điện lực Thủ Đức. Đến năm 1970, ông bị chính quyền ngụy (Sài Gòn) bắt đi lính, đưa lên hoạt động ở Quân đoàn 2 ở khu vực Tây Nguyên. Tại đây, ông đào ngũ để trốn về nhà ông anh ở P. Hội Phú (Pleiku ngày nay) làm nghề sửa xe máy để kiếm sống qua ngày.  Năm 1975, ông xin vào chạy xe cho đơn vị lính công binh X17 đóng tại Tây Nguyên. Quá trình phục vụ trong quân đội, ông được giới thiệu để sửa chữa một số máy móc thiết bị, và chỉ hơn 1 năm sau, ông cưới vợ, rồi bắt đầu ra ngoài để làm nghề cơ khí từ đó đến nay.

     Nói về mình, ông tâm sự rằng đến hôm nay, mình làm việc không phải bận bịu suy nghĩ đến đồng tiền để sống qua ngày nữa mà quan trọng hơn, chỉ mong sao mình còn đủ sức khỏe để được tiếp tục làm việc, vừa tạo công ăn việc làm cho gần 10 người thợ tại xưởng (lương được ông trả từ 3-6 triệu đồng/1 người) vừa có điều kiện để chế tạo máy giúp bà con nông dân đỡ vất vả đi phần nào! Sau hàng chục năm lao động cần cù, ông không chỉ no đủ về của cải mà quan trọng hơn, 8 người con mà vợ chồng ông nuôi dạy bao năm qua, ai cũng thành đạt khi đều tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định. Có lẽ đó chính là tài sản lớn nhất của đời mình mà ông đã để lại.

HOÀNG LỊCH ( BÁO CÔNG AN ĐÀ NẴNG )

Các tin khác
Người nông dân có sáng kiến cải tiến máy đào xới bồn cà phê
Gia Lai: Chế máy xới đào bồn cà phê